Báo cáo kết quả thực hiện giữa kỳ cụm đề tài KHCN độc lập cấp quốc gia thuộc lĩnh vực Phòng, chống thiên tai (tháng 4/2023)

Ngày 14/4/2023, Viện Địa chất – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo giữa kỳ báo cáo kết quả cụm đề tài KHCN độc lập cấp Quốc gia thuộc lĩnh vực Phòng, chống thiên tai.

Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có Đại diện Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Vụ Khoa học công nghệ và các ngành kinh tế kỹ thuật. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có Đại diện Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai.

Về phía đơn vị chủ trì có GS.TS. Trần Đình Hòa – Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam; PGS.TS. Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Viện trưởng Viện Địa chất và các chủ nhiệm, thành viên thực hiện đề tài.

Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của gần 70 đại biểu đến từ các Hội chuyên ngành, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Mỏ Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Địa chất, Công ty Agrimedia và đại diện ban ngành một số địa phương (Lào Cai, Hà Giang).

Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam được giao chủ trì 04 trong tổng số 07 đề tài, trong đó các chuyên gia Viện Thủy công chủ nhiệm 03 đề tài, đó là:

  • Nghiên cứu cơ chế phát sinh, quy luật vận động và xác định các thông số lũ bùn đá phục vụ thiết kế công trình đập chắn bùn đá khu vực miền núi phía Bắc (Mã số ĐTĐL.CN-79/21, Chủ nhiệm: TS. Vũ Bá Thao)
  • Nghiên cứu phương pháp nhận dạng nguy cơ trượt lở mái dốc và đề xuất các giải pháp thân thiện với môi trường, chi phí thấp, sử dụng các vật liệu và nhân công tại chỗ, phù hợp với khu vực dân cư tập trung thuộc các điểm di dân tái định cư thủy điện Sơn La (Mã số ĐTĐL.CN-80/21, Chủ nhiệm: PGS.TS. Phùng Vĩnh An);
  • Nghiên cứu đề xuất giải pháp thiết kế đập dâng miền núi kết hợp đa mục tiêu nhằm giảm thiểu ảnh hưởng lũ bùn đá (Mã số ĐTĐL.CN-83/21, Chủ nhiệm: TS. Nguyễn Chí Thanh).

Về cơ bản, các đề tài đều đã thực hiện được đầy đủ khối lượng theo đề cương đã được phê duyệt.

Đề tài ĐTĐL.CN-79/21 đã tiến hành điều tra, khảo sát các trận lũ bùn đá điển hình tại 10 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái,  Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn. Qua đó phân tích được các nhân tố hình thành, cơ chế phát sinh, quy luật vận động của các loại lũ bùn đá điển hình. Từ các kết quả khảo sát thực địa và các nghiên cứu đánh giá trong phòng đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí về phân loại (gồm 04 tiêu chí: nguồn nước sinh lũ, hình thái lưu vực và thành phần vật chất dòng lũ bùn đá; nguồn gốc bùn đá tạo nên dòng lũ bùn đá; thành vật vật chất trong lũ bùn đá; về tần suất phát sinh lũ bùn đá) và phân cấp (gồm 03 tiêu chí: mức độ quan trọng của khu vực bị ảnh hưởng ; mức độ quan trọng của công trình trong khu vực ảnh hưởng; số người tử vong, số dân bị ảnh hưởng, tổn thất kinh tế) mức độ thiệt hại do lũ bùn đá trong khu vực nghiên cứu. Ngoài ra đề tài cũng đã hoàn thành bản thảo 02 bài báo (để đăng trong tạp chí chuyên ngành trong nước.

Hình 1. TS. Vũ Bá Thao báo cáo kết quả thực hiện đề tài ĐTĐL.CN-79/21

Đề tài ĐTĐL.CN-80/21 đã tiến hành 3 cuộc điều tra tại 35 xã thuộc địa bàn 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu; các khu tái định cư thủy điện Sơn La thuộc 3 tỉnh khảo sát được bố trí theo 5 dạng, với hình thức trượt lở xuất hiện tương ứng. Tiến hành khảo sát địa chất tại 17 điểm, thí nghiệm các mẫu địa chất trong phòng lấy số liệu phục vụ mô hình toán. Ngoài ra, đề tài đã xây dựng 05 tiêu chí nhận dạng trượt lở của các yếu tố: (1) đặc điểm vỏ phong hóa; (2) độ cao tuyệt đối của địa hình; (3) bề dày tầng phủ tàn sườn tích; (4) quy mô khối dịch chuyển; (5) loại hình dịch chuyển. Hiện nay đề tài đang muốn thay đổi vị trí mô hình thử nghiệm, kiến nghị cơ quan quản lý xem xét, tạo điều kiện sớm cho ý kiến để nhóm thực hiện kịp thời khảo sát, thiết kế và thi công.

Hình 2. Đại diện nhóm thực hiện báo cáo kết quả đề tài ĐTĐL.CN-80/21

Đề tài ĐTĐL.CN-83/21 đã tổ chức nhiều nhóm công tác thực địa tại 15 tỉnh với hơn 60 địa điểm có công trình đập dâng nằm trong vùng đã hoặc có nguy cơ xảy ra lũ bùn đá tại khu vực miền núi phía Bắc. Qua đó đề tài đã đánh giá được hiện trạng các công trình đập dâng, phân loại được các hình thức hư hỏng đập và giảm khả năng thu nước do ảnh hưởng của lũ bùn đá từ đó tiến hành đề xuất các giải pháp công nghệ tiên tiến, phù hợp để thiết kế công trình đập dâng miền núi kết hợp đa mục tiêu thích ứng với lũ bùn đá:

  • Nhóm giải pháp kết hợp đập dâng: giải pháp thích ứng về kết cấu (khung thép hấp thụ lực, lưới thép cường độ cao, khung thép chữ A, bê tông vỏ mỏng); giải pháp thích ứng tiêu năng (mở rộng mặt cắt đập kết hợp bậc tiêu năng, bể tiêu năng kết hợp trụ bê tông) và giải pháp giảm bồi lắng, đảm bảo thu nước (giải pháp cửa van tự động thủy lực trục trên, giải pháp thu nước ngầm)
  • Giải pháp giảm thiểu, ngăn lũ bùn đá từ xa: giải pháp sử dụng hệ trụ bê tông tại thượng lưu đập.

 

Người viết tin: Trần Thị Nga