Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển kết cấu chống tràn cho đê sông do lũ”

Theo kết quả khảo sát hiện trạng 2.857km đê sông tại 11 Tỉnh/Thành phố phía Bắc, có khoảng 457km đê thiếu cao trình đảm bảo chống lũ theo tiêu chuẩn thiết kế. Mặt khác, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ tràn đỉnh của một số tuyến đê sông do lũ ngày càng cao, ảnh hưởng lớn đến an toàn và khả năng chống lũ của các tuyến đê sông; trước thực trạng trên, việc nghiên cứu các giải pháp công nghệ chống tràn đỉnh cho các tuyến đê sông do lũ là hết sức cấp thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao Viện Thủy công chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng, phát triển kết cấu chống tràn cho đê sông do lũ” do TS. Nguyễn Chí Thanh làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022.

Ngày 08/3/2023, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai – Bộ NN & PTNT đã tiến hành tổ chức nghiệm thu đề tài nêu trên. Hội đồng nghiệm thu bao gồm 07 chuyên gia do GS.TS. Phạm Ngọc Quý làm chủ tịch; Các thành viên còn lại là chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí, kinh tế thủy lợi, quản lý chất lượng xây dựng công trình và các cán bộ đại diện các đơn vị quản lý của Bộ NN&PTNT; tham gia cuộc họp còn có đại diện Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam và các thành viên thuộc nhóm thực hiện đề tài.

Hình 1. TS. Nguyễn Chí Thanh báo cáo kết quả thực hiện đề tài

Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài bao gồm: (1) Nghiên cứu đánh giá hiện trạng các tuyến đê sông có nguy cơ tràn đỉnh do lũ tại 11 tỉnh miền Bắc; (2) Nghiên cứu phân tích kỹ thuật, phạm vi sử dụng các giải pháp công nghệ chống tràn ở trong và ngoài nước, từ đó đề xuất ứng dụng theo đặc điểm của từng vùng; (3) Nghiên cứu phát triển giải pháp công nghệ chống tràn mới; (4) Trình diễn thử nghiệm công nghệ chống tràn dạng tường phai tại cửa khẩu đê Ngọc Tảo, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, (5) Xây dựng quy trình/hướng dẫn thiết kế, thi công cho các công nghệ chống tràn đề xuất áp dụng và (6) Xây dựng định mức của các giải pháp công nghệ chống tràn được đề xuất áp dụng.

Hình 2. Các thành viên Hội đồng nhận xét và đặt câu hỏi

Hội đồng đánh giá chất lượng và số lượng các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu theo đặt hàng Bộ NN&PTNT. Đề tài đã nghiên cứu ứng dụng, phát triển được 04 giải pháp công nghệ chống tràn mới – vượt 03 giải pháp so với đề cương được phê duyệt. Các giải pháp được nghiên cứu bài bản, thông qua phương pháp nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu bằng mô hình số, thí nghiệm mô hình vật lý (tỷ lệ 1:1) và áp dụng thử nghiệm cho một công trình cụ thể.

Hình 3. Tường chống tràn đê kết cấu dạng phai xốp bọc composite (VTC.FC.3020) (Triển khai trên mặt đê và hình ảnh thí nghiệm mô hình vật lý tỷ lệ 1:1)

Hình 4. Tường chống tràn đê kết cấu dạng bản chống (VTC.PF.120)

Hình 5. Tường chống tràn đê lắp ghép bằng cấu kiện bê tông hộp rỗng (VTC.Box.3060)

Hình 6. Tường chống tràn đê bằng bao địa kỹ thuật (VTC.Bag)

Tất cả 7/7 thành viên hội đồng thống nhất đồng ý nghiệm thu Đề tài sau khi đã chỉnh sửa theo góp ý của các thành viên, đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT tạo điều kiện bố trí kinh phí để triển khai áp dụng thử nghiệm các giải pháp công nghệ đã nghiên cứu trong thực tế.

Hình 7.  GS.TS. Phạm Ngọc Quý – Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp