Hội thảo khoa học chào mừng lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Viện Thủy công

Ngày 17/8/2023 , Viện Thủy công đã tổ chức Hội thảo Khoa học chào mừng 15 năm thành lập Viện Thủy công (19/8/2008 – 19/8/2023). Tham gia buổi Hội thảo có đông đủ các khách mời là Lãnh đạo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường – Bộ Nông nghiệp và PTNT, các chuyên gia từ Hội Thủy Lợi, trường Đại học Thủy lợi, trường Đại học Mỏ địa chất….và các cán bộ của Viện Thủy công.

Toàn Canh

Toàn cảnh Hội thảo khoa học chào mừng lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Viện Thủy công

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Thành Công – Viện trưởng – đã tổng kết quá trình hoạt động khoa học sau 15 thành lập của Viện. Hiện tại, tổng số cán bộ của Viện Thủy công là 120 người, trong đó có  02 Phó giáo sư, 12 Tiến sĩ và 50 Thạc sĩ.  Số lượng đề tài nghiên cứu luôn được duy trì và phát triển qua hàng năm. Có thể điểm qua số lượng nhiệm vụ KHCN (NV) được thực hiện từ khi thành lập Viện đến nay: 23 NV quốc gia, 15 NV cấp Bộ, 08 NV cấp Tỉnh, 08 NV cấp cơ sở, 48 Tiêu chuẩn Quốc gia, 05 hướng dẫn kỹ thuật cấp Bộ.

Trong 15 năm, các cán bộ trong Viện đã tích cực viết bài báo khoa học trong nước, quốc tế để công bố kết quả nghiên cứu; chú trọng vào công tác đăng ký các sáng chế, tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực, cụ thể: 42 bài báo quốc tế (ISI, Scopus), 19 bài đăng tạp chí quốc tế chuyên ngành, 42 bài đăng hội thảo quốc tế, 231 bài báo đăng tại các tạp chí trong nước, 14 sáng chế/GPHI và nhiều thành tích khác.

Tại buổi hội thảo, các cán bộ trong Viện đã trình bày 05 Báo cáo kết quả nghiên cứu của 05 Đề tài tiêu biểu của Viện, tập trung vào các hướng nghiên cứu mũi nhọn nhằm giải quyết các yêu cầu đang rất cấp thiết trong thực tiễn như các công nghệ, giải pháp nhằm tăng cường nguồn nước cho các vùng khan hiếm nước ven biển Nam Trung Bộ, các giải pháp thu, cấp nước cho khu vực miền núi phía Bắc; cứng hóa bùn đất nạo vét để thay thế cát trong san lấp mặt bằng; các giải pháp kết cấu di động giảm sóng bảo vệ bờ biển; các giải pháp chống tràn cho đê sông do lũ.

PGS.TS.Nguyễn Thành Công trình bày các kết quả của đề tài ‘’ Nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm thất thoát nước dưới đất nhằm tăng cường nguồn nước cho các vùng khan hiếm nước ven biển Nam Trung Bộ’’. Mục tiêu của đề tài là đánh giá được thực trạng và nguyên nhân thất thoát nước dưới đất và khả năng lưu trữ nước vùng nghiên cứu; đề xuất được giải pháp tăng cường nguồn nước cho vùng khan hiếm nước và xây dựng được 02 mô hình trình diễn các giải pháp chống thất thoát nước và lưu giữ nước.

Vt

PGS.TS. Nguyễn Thành Công – Viện trưởng – trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu

TS. Ngô Anh Quân – Phó Viện trưởng – thay mặt Nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả của đề tài  ‘’Nghiên cứu công nghệ cứng hóa bùn nạo vét để sử dụng trong san lấp mặt bằng thay thế cát’’.

Pvt

TS. Ngô Anh Quân – Phó Viện trưởng – trình bày các kết quả nghiên cứu

Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm, và ứng dụng thử nghiệm thực tế, có độ tin cậy cao và khả năng áp dụng rộng rãi. Đề tài xây dựng được cấp phối sử dụng để cứng hóa đất bùn nạo vét vùng ĐBSCL.

TS. Phan Đình Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm công trình Đồng bằng ven biển và Đê điều trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu công nghệ giảm sóng di động bảo vệ bờ biển tại Việt Nam”

Tuan

TS. Phan Đình Tuấn trình bày kết quả nghiên cứu

TS. Phan Đình Tuấn cho biết đề tài đã đề xuất được một số dạng đê giảm sóng di động có thể nghiên cứu ứng dụng cho bờ biển Việt Nam. Thông qua việc mô phỏng tương tác với kết cấu đê giảm sóng di động trên mô hình toán, bước đầu xác định được các đặc trưng như hệ số phản xạ sóng, hệ số truyền sóng, hệ số tiêu hao năng lượng sóng đối với một số kết cấu đề xuất. Từ đó xây dựng quan hệ giữa các yếu tố hình học của kết cấu với các đặc trưng này làm cơ sở cho việc lựa chọn khi thiết kế. Đề tài đã thực hiện thiết kế cơ sở cho một công trình điển hình ở bờ biển tỉnh Bạc Liêu.

Ths. Vũ Lê Minh trình bày kết quả nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chống tràn mới cho đê sông do lũ. Nhóm nghiên cứu đã phát triển 04 giải pháp chống tràn hoàn toàn mới cho đê sông thích hợp với điều kiện Việt Nam: tính cơ động cao và dễ triển khai; vật liệu phổ biến; chi phí hợp lý và có thể sản xuất đại trà trong nước.

(1) Tường chống tràn đê kết cấu dạng phai xốp bọc composite (VTC.FC.3020)

(2) Tường chống tràn đê kết cấu dạng bản chống (VTC.PF.120)

(3) Tường chống tràn đê lắp ghép bằng cấu kiện bê tông hộp rỗng (VTC.Box.3060)

(4) Tường chống tràn đê bằng bao địa kỹ thuật kích thước lớn (VTC.Bag.0180; VTC.Bag Vr02; VTC.Bag Vr03)

Các giải pháp/công nghệ mới trên đều được nghiên cứu chế tạo mẫu; thí nghiệm mô hình vật lý với tỷ lệ 1:1; tính toán mô hình số; lập quy trình thiết kế, thi công và định mức kinh tế  – kỹ thuật

Minh

ThS. Nguyễn Huy Vượng, Phó phòng nghiên cứu địa kỹ thuật giới thiệu một số công nghệ phục vụ cấp nước tập trung khu vực nông thôn miền núi.  Xuất phát từ hiện trạng kém hiệu quả của các công trình cấp nước trong các khu vực nông thôn miền núi, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp công nghệ: giải pháp giếng thu nước mặt; giải pháp thu nước đáy sông suối kiểu nằm ngang; giải pháp hồi phục và tăng nguồn nước mạch lộ. Các giải pháp công nghệ này cũng đã được áp dụng trong thực tiễn tại các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Kon Tum.

Vuong

ThS. Nguyễn Huy Vượng trình bày kết quả nghiên cứu

Về phía khách mời, GS.TS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi trình bày tham luận về cầu nối hợp tác giữa nghiên cứu trong nước và quốc tế, cơ hội và thách thức cho các nhóm nghiên cứu mạnh theo Nghị định 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Từng công tác tại Viện Thủy công, GS bày tỏ tình cảm đặc biệt với Viện, đồng thời ấn tượng với sự phát triển của Viện sau 15 năm thành lập. GS Việt cũng mong muốn các cán bộ Viện Thủy công mạnh dạn trong việc tìm kiếm các nguồn kinh phí cho nghiên cứu từ nước ngoài, chú trọng đào tạo đội ngũ nghiên cứu trẻ, tăng cường hợp tác nghiên cứu chuyên sâu với trường Đại học Thủy lợi trong tương lai.

Gs.ts

GS.TS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi – phát biểu tham luận

Cùng chung quan điểm với GS.TS. Nguyễn Trung Việt, các chuyên gia khách mời cũng đều rất ấn tượng với quá trình phát triển về NCKH của Viện Thủy công trong 15 năm qua. Các kết quả nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo đều mang tính ứng dụng cao, đáp ứng các nhu cầu rất cấp thiết của đất nước.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Bằng – Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp Viện KHTL Việt Nam – đề nghị Viện xây dựng các hướng nghiên cứu, đề xuất theo chiến lược của Bộ.

GS.TS Trương Đình Dụ – Hội Thủy lợi, PGS.TS. Đỗ Minh Toàn và TS. Nguyễn Bách Thảo (Đại học Mỏ địa chất) cũng phát biểu tại hội thảo, đánh giá cao những thành thành tích đáng tự hào của Viện; và nhấn mạnh, hiện nay, vấn đề bảo vệ bờ biển là một trong những vấn đề cấp bách nhất, trong thời gian tới Viện Thuỷ công cần đi sâu tập trung nghiên cứu. Các đề tài cấp nước nông thôn, đề tài chống tràn đều có ý nghĩa thực tiễn cao, cần định hướng nâng tầm các kết quả nghiên cứu trong tương lai, tiến tới mục tiêu áp dụng trên diện rộng.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thành Công đã thay mặt tập thể viên chức, người lao động Viện Thủy công gửi lời cảm ơn tới các vị đại biểu với tình cảm đặc biệt dành cho Viện Thủy công, cũng như các ý kiến đóng góp để Viện nâng cao trình độ nghiên cứu, tập trung vào các hướng nghiên cứu mũi nhọn và tăng cường hợp tác quốc tế cũng như hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trong nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm