Nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia: “Nghiên cứu công nghệ cấp nước hiệu quả, bền vững ở một số đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang”

Ngày 20/4/2023, Bộ KH&CN tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên công nghệ cấp nước hiệu quả, bền vững ở một số đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang”, Mã số: ĐTĐL.CN-38/19 do TS. Vũ Ngọc Bình làm chủ nhiệm, Viện Thủy công là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Hội đồng do GS.TS. Trần Đình Hợi làm chủ tịch, thành viên là các chuyên gia từ trường Đại học Thủy Lợi, Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia HN), Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Sở KH&CN Kiên Giang và Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp. Về phía các đơn vị quản lý đề tài có TS. Chu Thúc Đạt – Vụ trưởng Vụ phát triển KH&CN địa phương; đại diện Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước, Bộ KH&CN và đại diện Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang. Khách mời tham dự là các chuyên gia từ các trường Đại học và Viện nghiên cứu.

Hình 1.  TS. Vũ Ngọc Bình – Chủ nhiệm đề tài, giới thiệu tóm tắt quá trình thực hiện và kết quả nghiên cứu của đề tài

Đề tài đã thực hiện được các nội dung chính bao gồm: 1. Đánh giá được nguồn tài nguyên nước (nước mưa, nước mặt, nước ngầm) tại các đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du; 2. Đề xuất giải pháp cấp nước bền vững tại các đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du; 3. Xây dựng được 01 mô hình thu gom, bổ cập và khai thác nước dưới đất nhằm cấp nước cho 100-150 hộ dân thuộc quần đảo Nam Du, đáp ứng yêu cầu đặt hàng của Bộ.

Hình 2.  Mô hình thu gom, bổ cập và khai thác nước dưới đất xây dựng trong thực tế

Mô hình thu gom, bổ cập và khai thác nước dưới đất tại đảo Hòn Ngang đã đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 12/2021 nhằm đáp ứng nhu cầu dùng nước trên đảo trong các tháng mùa khô năm 2021 và 2022. Mô hình đã mang lại hiệu quả nhất định về thu gom nước mưa cấp nước cho đảo và bổ cập cho các giếng khoan vào mùa mưa, đồng thời khai và cấp nước cho đảo vào mùa khô. Chất lượng nước tại bồn, nước mưa và nước sau lọc đều  đạt các chỉ tiêu về nước ăn uống sinh hoạt theo Quy chuẩn TCVN 01-1:2018/ BYT của Bộ Y tế.  Mô hình cũng đã được các đoàn công tác bao gồm các chuyên gia, đại diện đơn vị quản lý (từ Bộ KH&CN và Sở KH&CN Kiên Giang) và Viện Thủy công kiểm tra, đánh giá trong thực tế vào tháng 02/2023 và 04/2023.

Hình 3. Các đoàn kiểm tra mô hình xây dựng thực tế tại khu vực nghiên cứu

Hình 4.  Nước chảy vào giếng bổ cập, bể lọc và bơm nước tại các giếng khoan khai thác

Theo kết quả quan trắc, mực nước dưới đất tại đảo khi có công trình bổ cập đã tăng từ 2,9m đến 5,9m so với khi chưa có công trình bổ cập. Tại các giếng quan trắc của mô hình, mực nước dưới đất của các tháng mùa khô năm 2023 là tháng 2, 3 và 4 (khi có công trình bổ cập) tăng lần lượt là từ 4,1m; 3,5m và 3,3m so với các tháng 2, 3 và 4 năm 2022 (khi chưa có công trình bổ cập). Kết quả đánh giá các chỉ số TDS và EC của các mẫu nước trong các giếng khoan trên đảo tại các tháng này của năm 2023 cũng tốt hơn nhiều so với các tháng cùng kỳ năm 2022; Chất lượng nước sau bổ cập vào cuối mùa mưa (T11/2022) cũng tốt hơn nhiều so với thời điểm cuối mùa khô (T5/2022).

Sau khi trao đổi và thảo luận cùng Nhóm thực hiện đề tài, Hội đồng đã nhất trí đánh giá:  Đề tài đã nghiêm túc triển khai thực hiện và hoàn thành các nội dung theo thuyết minh đã được phê duyệt,  đảm bảo đúng tiến độ (đã được gia hạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và điều kiện thời tiết). Các sản phẩm của đề tài đều đạt về số lượng và chất lượng, riêng sản phẩm công bố và đào tạo ở mức vượt. Đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao và khả năng nhân rộng mô hình cho các đảo có điều kiện tương tự. Kết quả bỏ phiếu: 02/08 phiếu Xuất sắc, 06/08 phiếu Đạt. Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa một số ý kiến để hoàn thiện.

05

Hình 5.  GS.TS. Trần Đình Hợi – Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận cuộc họp

Thay mặt đơn vị chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Thành Công phát biểu cám ơn Bộ KH&CN,  các đơn vị thuộc Bộ; Sở KH&CN Kiên Giang; UBND tỉnh Kiên Giang đã tạo điều kiện để Viện thực hiện nghiên cứu đề tài . Đồng thời, đồng chí Viện trưởng cũng chân thành các ơn các chuyên gia trong Hội đồng, các nhà Khoa học đã có nhiều đóng góp để Chủ nhiệm hoàn thiện đề tài và mong muốn Viện tiếp tục được Bộ KH&CN, các Sở ban ngành tại địa phương  giao  thực hiện các nghiên cứu tiếp theo cũng như ứng dụng, nhân rộng mô hình.

Hình 6.  PGS.TS Nguyễn Thành Công – Viện trưởng Viện Thủy công phát biểu tại cuộc họp

Người viết tin: Vũ Ngọc Bình