Giếng thu nước mặt giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Hiện nay trên địa bàn tỉnh  Điện Biên có khoảng 900 công trình lấy nước bằng đập dâng, phai tạm), thiết kế tưới cho 38.000 ha trong đo  thực tế tưới cho 10.240 ha, đạt 62,1% diện tích thiết kế vụ chiêm và 15.365 ha, đạt 74,9% diện tích tưới thiết kế vụ mùa. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên chủ yếu là là bồi lấp của lấy nước và khu vực thượng lưu dẫn đến lấp tắc cửa lấy nước và hệ thống dẫn trữ nước để giải quyết vấn đề này đề tài “Nghiên cứu đề xuất mô hình tích hợp các giải pháp thu gom, lưu giữ và khai thác các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các vùng khan hiếm nước tỉnh Điện Biên” mã số ĐTĐLCN.37/19 do ThS Nguyễn Huy Vượng làm chủ nhiệm đã nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm công nghệ giếng thu nước mặt (GTNM). Kết quả vận hành qua các mùa khô năm 2020, 2021,2022, 2023 và mùa mưa 2021, 2022 cho thấy về mùa kiệt lưu lượng đạt và vượt so với thiết kế, mùa mưa vận hành an toàn. Một số nét chính của công nghệ như sau.

Sơ đồ công nghệ của giải pháp được trình bày ở Hình 1.

Hình 1: Sơ đồ công nghệ của giải pháp GTNM

Kết cấu của hệ thống: GTNM được bố trí ở thượng lưu đập dâng, ống dẫn nước từ giếng chảy vào kênh dẫn nước ở hạ lưu hoặc cửa cống bên của đập.

Nguyên lý hoạt động của giải pháp: nước từ lòng suối thấm qua lớp dăm, sỏi lọc đệm chảy vào giếng qua cửa lấy nước (các khe hở) bên thành giếng Hình 2). Nước trong giếng được dẫn vào kênh tưới hoặc cống cũ bằng hệ thống ống dẫn hoặc kênh xây mới. Lưu lượng nước thu được từ giếng phụ thuộc vào khả năng thấm nước của vật liệu lấp, diện tích khe lấy nước trên thành giếng cũng như đường kính giếng. Khi cần lưu lượng lớn có thể tăng số lượng giếng thu. Với phương thức lấy nước ngấm từ trên xuống thì khi có dòng chảy mạnh (dòng chảy lũ), dòng này sẽ mang theo phù sa, rác rưởi trôi qua bề mặt lớp lọc về hạ lưu.

Giải pháp này được áp dụng tại khu vực lòng suối phân bố các trầm tích hạt thô như cuội sỏi, tảng với chiều dày >1,0m và áp dụng cho các công trình cấp nước sản xuất.

Hình 2: Cấu tạo cửa lấy nước của giếng thu nước
1- Thân trên của giếng; 2- Cửa lọc; 3- Ống lọc; 4- Phần chứa bùn lắng; 5- Các khe hở cho nước vào; 6- Lỗ bắt vít cửa lấy nước vào thành giếng hoặc các song cửa lấy nước; 7- Song sắt chịu lực đứng (liên kết thân trên và đáy giếng); 8-Song ngang; 9- Ống dẫn nước.

Mô hình thử nghiệm được xây dựng tại xã Mường Lạn – huyện Mường Ẳng – tỉnh Điện Biên có nhiệm vụ tưới cho 20ha lúa với các hạng mục cụ thể như sau:

+ GTNM: Giếng có đường kính 2 m có đáy và vành giếng phía trên là bê tông liên kết bằng các thanh thép V7. Bộ phận thu nước có kết cấu bằng thép tấm không rỉ có khe hở rộng 5 mm, dài 300 mm, khoảng cách giữa tim 2 khe là 25 mm, số khe trên hàng là 188 khe dọc chia làm 3 hàng cách nhau 150 mm.

+ Tuyến ống dẫn nước: kết cấu ống nhựa HDPE đường kính D200 mm loại PN8, chiều dài 324 m được chôn chìm dưới đất. Tuyến đường ống này có nhiệm vụ dẫn nước từ giếng thu nước đấu nối với tuyến kênh tưới nội đồng. Đầu xả của đường ống có bể tiêu năng, tràn xả thừa trước khi chảy vào kênh.

Hình 3. Sơ đồ giếng thu nước và ống dẫn nước về kênh dẫn nước nội đồng.
Hình 4. Thi công giếng thu nước mặt.
Hình 5. Đoàn công tác kiểm tra vận hành công trình sau khi hoàn thiện.