Đánh giá hiệu quả mô hình thu gom, bổ cập và khai thác nước dưới đất tại đảo Hòn Ngang, quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang

Kết quả nghiên cứu, điều tra khảo sát đánh giá tài nguyên nước tại đảo Hòn Ngang thuộc quần đảo Nam Du cho thấy, với diện tích đảo là 59 ha, lượng mưa trung bình năm khoảng 1926 mm, nguồn nước mưa trên đảo là khá lớn, đạt 1,137 triệu m3,  dòng chảy mặt 455.152 m3. Tuy nhiên, lượng mưa tập trung chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 11, do vậy vào các tháng mùa khô, lượng nước trên đảo đã trở lên thiếu trầm trọng và rất đắt đỏ, hiện tại khoảng 80.000đ/m3. Với dân số trên đảo đông, khoảng 2.600 người chưa kết các hoạt động của dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, ….lượng nước trên đảo ngày càng trở lên khan hiếm. Kết quả điều tra nguồn nước sử dụng trong những năm gần đây cho thấy, lượng nước khai thác trong các giếng đào: 2.822m3/năm, giếng khoan: 12.936 m3. Kết quả đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên đảo tại 3 lỗ khoan khảo sát là 0,93 lít/s, tương ứng là 80,35 m3/ngày. Việc khai thác bừa bãi và mang tính chất tự phát của các hộ dân để cấp nước cho dân đã dẫn đến suy kiệt nguồn nước (trên đảo hiện nay có khoảng 27 giếng khoan đang khai thác) đã làm cho tầng chứa nước dưới đất có dấu hiệu bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, một số giếng khoan đã không còn sử dụng được. Chính vì vậy, giải pháp thu gom bổ cập và khai thác nước dưới đất đã được nghiên cứu và áp dụng xây dựng mô hình thử nghiệm trên đảo.

Hình 1. Mô hình thu gom, bổ cập và khai thác nước dưới đất tại đảo Hòn Ngang

Các hạng mục của mô hình bao gồm: Tuyến hào thu nước mái đồi (1), Bể lắng – lọc (2), Giếng bổ cập (3), Giếng khai thác (4), Giếng quan trắc (5), Hệ thống xử lý nước (6), Bể chứa nước tập trung (7), Nhà quản lý vận hành (8), Bồn chứa nước 2.600m3(9), Giếng công an xã (10).  Mô hình đã thi công xây dựng xong và đã đưa vào khai thác sử dụng, cấp nước sinh hoạt cho dân trên đảo từ tháng 1/2022.

Kết quả quan trắc đánh giá hiệu quả

Để đánh giá hiệu quả của giải pháp thu gom, bổ cập nước dưới đất tại đảo Hòn Ngang, chúng tôi tiến hành quan trắc các số liệu như đo mực nước dưới đất, EC và TDS theo chu kỳ 10 ngày/lần kéo dài từ mùa khô (tháng 2/2022) đến cuối mùa mưa (tháng 12/2022) (Kết quả như trong các Hình 2, Hình 3 và Hình 4) .

Hình 2. Kết quả quan trắc mực nước dưới đất tại các lỗ khoan trên đảo

Hình 3. Kết quả quan trắc TDS tại các lỗ khoan trên đảo (T2-T12/2022)

Hình 4. Kết quả quan trắc EC tại các lỗ khoan trên đảo (T2-T12/2022)

Ngoài ra, nhóm tác giả tiến hành đo địa vật lý (Hình 5) và lấy mẫu nước thí nghiệm các chỉ tiêu toàn phần và vi lượng tại các thời điểm cuối mùa khô (T5/2022) và cuối mùa mưa (T11 11/2022) (Bảng 1).

Hình 5. Vị trí các tuyến đo địa vật lý nhằm đánh giá hiệu quả bổ cập nước dưới đất tại đảo Hòn Ngang

Bảng 1. So sánh kết quả thí nghiệm các mẫu nước tại các thời điểm cuối mùa khô và cuối mùa mưa năm 2022

Các kết quả thu được cho thấy hình thu gom bổ cập và khai thác nước dưới đất tại đảo Hòn Ngang, xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đã mang lại hiệu quả đáng kể về chất lượng nước cũng như đẩy mặn ra phía biển và dưới sâu. Cụ thể như sau:

  • Mực nước ngầm trên đảo đã thay đổi rõ rệt giữa mùa khô và mùa mưa trong các lỗ khoan quan trắc trên đảo. Mực nước chênh cao nhất tại các giếng khoan tại vị trí mô hình 1 (KT1: 20,5m; BC1: 18,1m) và nhỏ nhất tại vị trí mô  hình 2 dao động từ 7,7m (lỗ khoan QT1, QT2) đến 11,5m (lỗ khoan KT2). Tương tự các chỉ số về TDS và MS đều nhỏ đi tại thời điểm mùa mưa so với cuối mùa khô đặc biệt đối với các hố khoan khai thác nước ở tầng sâu >50m.
  • Kết quả đo địa vật lý tại thời điểm cuối mùa khô (T5/2022) và cuối mùa mưa (T11/2022) cho thấy: biên mặn nhạt đã bị đẩy về phía biển khoảng 70m và đẩy xuống sâu khoảng 7-10m
  • Các chỉ số về chất lượng nước tại thời điểm cuối mùa mưa đều tốt hơn so với thời điểm cuối mùa khô, cụ thể như Fe2+, Fe3+, Cl, SO42-, HCO3, NO3, cặn sấy khô, độ kiềm, độ cứng và độ dẫn điện của các mẫu thí nghiệm đa phần đều nhỏ hơn và đạt QCVN 01-1 :2018/BYT.

Lời cám ơn

Bài báo này sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài ”Nghiên cứu đề xuất công nghệ cấp nước sinh hoạt hiệu quả, bền vững ở một số đảo lớn thuộc quần đảo Nam Du, tỉnh Kiên Giang” Mã số ĐTĐL.CN-38/19. Tác giả xin chân thành cám ơn Bộ Khoa học và Công nghệ,  Viện Thủy công đã tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài này.

Người viết tin: Vũ Ngọc Bình