Trong lĩnh vực phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, Viện có sản phẩm đập Trụ đỡ, đập Xà lan (Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012). Biển đổi khí hậu đã gây ngập lụt và xâm nhập mặn các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu long.
Nhiều cống ngăn triều lớn do Viện thiết kế đã được xây dựng theo công nghệ đập trụ đỡ, như: cống Thảo long, (Huế), cống Thị nghè, Tân thuận, Bến nghé, Phú xuân (TP HCM), Bào chấu (Cà Mau), Cầu Xe (Hải Dương), Sông Dinh (Ninh Thuận) ... và sắp tới còn hàng chục cống lớn đang trong giai đoạn thiết kế, lập dự án. Có thể nói, giải pháp đập Xà Lan, Trụ đỡ đã làm thay đổi hoàn toàn công nghệ thiết kế và thi công cống đồng bằng, tiết kiệm kinh phí đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, do giảm thiểu công tác giải phóng mặt bằng đã cho phép xây dựng các công trình vùng đô thị một cách thuận lợi như ở các cống trong dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh.
Viện cũng đã ghi dấu ấn công trình bảo vệ bờ biển bằng công nghệ Đê trụ rỗng tiêu giảm sóng gây bồi. Công nghệ Đê cọc rỗng, Tường tiêu sóng cũng đang được Viện khẩn trương triển khai áp dụng vào thực tiễn. Công nghệ Kè cừ xiên bê tông cốt sợi Polime hứa hẹn sự đột phá trong lĩnh vực bảo vệ bờ sông bờ kênh đồng bằng sông Cửu Long.
Trong xây dựng hạ tầng nông thôn, Viện có công nghệ đập ngầm, hào thu nước phục vụ cấp nước sạch cho vùng miền núi phía Bắc và Tây nguyên, phòng chống hoang mạc hóa vùng nam Trung Bộ. Hiện nay Viện đang tập trung nghiên cứu các giải pháp Thủy lợi phục vụ thủy sản phục vụ chiến lược tái cơ cấu ngành, đặc biệt là giải pháp trạm bơm lấy nước biển xa bờ để cấp nước cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung vùng Bán đảo Cà Mau. Đây sẽ là giải pháp đột phá quyết định để thực hiện mục tiêu đưa giá trị xuất khẩu tôm từ 3,5 tỷ USD năm 2017 lên 10 tỷ USD năm 2020.
Đội ngũ cán bộ của Viện hiện tại có 120 người, trong đó có 01 GS, 03 PGS, 08 TS, 60 ThS, còn lại phần lớn có trình độ Đại học. Viện có là nơi đào tạo trình độ TS với 2 chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng công trình thủy và Địa kỹ thuật công trình, mỗi năm có ít nhất 1 TS được cán bộ của Viện hướng dẫn đã bảo vệ thành công luận án. Quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ của Viện được thử thách, rèn luyện qua công việc nghiên cứu, tư vấn, khảo sát hiện trường, biên soạn các tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ đạo thi công ... nên đã nhanh chóng nắm bắt và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Để có được thương hiệu như ngày hôm nay, là do Viện đã có những bước đi thích hợp, đúng hướng. Ngay sau khi sát nhập 5 đơn vị, Lãnh đạo Viện đưa ra khẩu hiệu “Ổn định để phát triển bền vững”. Cơ cấu nhận sự của các đơn vị thành viên hầu như giữ nguyên. Hệ thống các quy chế, quy trình hoạt động hoạt động được bàn bạc dân chủ, công khai và ban hành kịp thời theo hướng tăng tính chủ động cho các đơn vị và tăng tính cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Lãnh đạo Viện dành nhiều thời gian giúp đỡcác đơn vị, các mặt hoạt động còn yếu kém. Chính vì vậy, sau 5 năm hoạt động (giai đoạn 2008-2013) Viện đã đạt được nhiều thành tích, vươn lên trở thành đơn vị tốp đầu của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Trong giai đoạn này Viện được tặng cờ thi đua của Chính Phủ (năm 2014), được tặng Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2012), 01 cá nhân được tặng danh hiệu CSTĐ Toàn quốc, 02 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính Phủ, Bộ ngành và địa phương.
Giai đoạn 5 năm tiếp theo (2013-2018) khẩu hiệu hành động của Viện là “Đổi mới để phát triển bền vững”. Trong giai đoạn này Viện đã trình và được phê duyệt Chiến lược phát triển Viện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1359 /QĐ-VKHTLVN ngày 01/10/2015.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là:
a) Phát triển Viện Thủy công gắn liền với sự phát triển của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong việc cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng và bảo vệ công trình thủy lợi, thủy sản, diêm nghiệp và cơ sở hạ tầng nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 đạt trình độ tiến tiến ở Đông Nam Á, đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến ở Châu Á.
b) Viện Viện Thủy công lấy chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học và hiệu quả chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá sự phát triển của Viện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược là:
a) Mô hình tổ chức và hoạt động của Viện chuyển sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Xây dựng được đội ngũ cán bộ, viên chức có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó lâu dài với Viện. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo có tâm, có tài và các cán bộ khoa học đầu ngành.
Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm cung cấp các luận cứ và sản phẩm phục vụ cho Chiến lược phát triển ngành Thủy lợi và Nông nghiệp nông thôn. Ưu tiên tiếp thu có chọn lọc, từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trên thế giới, nhanh chóng chuyển giao các kết quả nghiên cứu, các công nghệ mới vào sản xuất góp phần vào quá trình tái cơ cấu ngành, phục vụ phát triển kinh tế xã hội bền vững.
c) Từ nay đến năm 2030, trung bình mỗi năm Viện có một sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận dưới dạng sáng chế, giải pháp hữu ích, giải thưởng khoa học công nghệ quốc gia, bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín;
d) Kinh phí từ nguồn đề tài các cấp tăng từ 10% đến 20% so với năm trước, phấn đấu đến năm 2030 đạt mức tiên tiến ở khu vực. Đẩy mạnh khai thác nguồn hợp tác quốc tế và đặt hàng từ địa phương, doanh nghiệp.
e) Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, phòng thí nghiệm đạt chuẩn khu vực. Hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, công ty cổ phần được lập ra từ các kết quả nghiên cứu của Viện.
f) Doanh thu hàng năm tăng từ 10% đến 20%, trong đó từ 60% đến 70% từ hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu của Viện.
Một số kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2013-2018 theo mục tiêu nêu trong chiến lược:
Đội ngũ cán bộ khoa học đã có sự bổ sung đáng kể, có thể nói Viện Thủy công có đội ngũ cán bộ khoa học trình đọ trên đại học trong tốp đầu của Viện KHTL Việt Nam.
Đã hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh theo các định hướng chiến lược. Nhóm nghiên cứu về địa kỹ thuật và xử lý nền móng đã có uy tín và thương hiệu không chỉ trong ngành thủy lợi, mà còn tham gia tư vấn giải pháp ĐKT cho cả các ngành giao thông, xây dựng. Nhóm nghiên cứu vật liệu đã tạo ra sản phẩm thương mại hóa. Đặc biệt là không bó hẹp trong mảng vật liệu bê tông truyền thống, mà có sự giao thoa giữa vật liệu và đất đá như nghiên cứu và ứng dụng các vật liệu mới trong cải tạo đất cho mục đích làm đường giao thông, cứng hóa bùn nạo vét. Nhóm nghiên cứu kết cấu bảo vệ bờ sông, bờ biển cũng đã bước đầu ghi dấu ấn bằng sáng chế đê trụ rỗng, kè cừ xiên bằng cốt sợi polyme.
Doanh thu trong 5 năm gần đây tăng trưởng đạt mức 10%/ năm. Tỷ lệ tiền đề tài đạt mức 20% trên tổng doanh thu, chỉ tiêu phấn đấu đặt ra từ ngày thành lập Viện thì nay đã đạt được. Số lượng đề tài các cấp từ 3 đề tài năm 2014 tăng lên 10 đề tài trong năm 2018.
Công tác đăng ký sở hữu trí tuệ và công bố kết quả nghiên cứu được chú trọng. Viện xác định sáng chế là một loại sản phẩm trí tuệ của hoạt động NCKH, là chỉ số để đánh giá xếp hạng cơ sở nghiên cứu. Vì vậy, chỉ riêng trong năm 2017, Viện đăng ký và được công bố trên công báo 8 sáng chế và giải pháp hữu ích và 2 sáng chế được cấp bằng. Có được kết quả như vậy trước hết là do các đề tài của Viện đều xuất phát từ các nhu cầu bức thiết của sản xuất, có tính mới, đạt mức thế giới. Viện cũng hết sức quan tâm đến việc công bố kết quả NCKH trên các tạp chí chuyên ngành, đặc biệt là công bố quốc tế. Số lượng các bài báo đăng trong kỷ yếu các hội nghị quốc tế tăng đáng kể đã thể hiện sự giao lưu, hội nhập đã có nhiều tiến bộ.
Cơ sở vật chất của Viện cũng được cấp trên quan tâm. Sắp tới, Viện sẽ có một phòng thí nghiệm đất-đá-vật liệu-kết cấu khá đồng bộ đặt tại Hòa Lạc. Các phòng thí nghiệm tại ngõ 95 Chùa Bộc cũng đã có kế hoạch được đầu tư nâng cấp cải tạo.
Mặc dù vậy, so với yêu cầu của cấp trên và đòi hỏi của đất nước, Viện vẫn còn một số tồn tại, yếu kém cần phải được khắc phục. Trước hết là đời sống cán bộ nhân viên vẫn còn nhiều vất vả, chưa sống được bằng kết quả nghiên cứu, ảnh hưởng đến nhiệt tình và tinh thần gắn bó lâu dài với Viện. Điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ảnh hưởng đến chủ trương hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế. Trình độ cán bộ nghiên cứu cũng còn hạn chế, đặc biệt là về ngoại ngữ.
Nhìn lại 10 năm thành lập, chúng ta có quyền tự hào về những thành tích đã đạt được, nhưng cũng còn nhiều trăn trở về những việc cần làm và phải làm để xây dựng và phát triển Viện hơn nữa. Đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ chiến lược củangành, của Bộ; triển khai Nghị quyết Nghị quyết số 19- NQ/TW về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Tuy nhiên, Tôi tin tưởng rằng với sự đoàn kết, nhất trí và bản lĩnh của cán bộ nhân viên, chúng ta sẽ vượt qua.
Nhân dịp này, Tôi thay mặt cán bộ nhân viên trong Viện cám ơn lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các địa phương, các cơ quan đơn vị, các đối tác trong và ngoài ngành đã nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ, hợp tác và tạo điều kiện cho Viện trong những năm qua. Cám ơn Viện KHTL Việt Nam, cấp trên trực tiếp đã dành cho Viện sự quan tâm đặc biệt.
Chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công cho các cán bộ nhân viên trong Viện và gia đình. Chân thành cám ơn mọi người vì những đóng góp và đồng hành cùng lãnh đạo Viện chúng tôi vượt qua những khó khăn, thử thách trong 10 năm qua.
Trân trọng!
GS.TS Nguyễn Quốc Dũng